Tin Tức

Thẻ xanh là gì? Thủ tục xin thẻ xanh 10 năm ở Mỹ

Thứ 2, 28/12/15

Trên thẻ xanh có:

+ Tên

+ Ngày tháng năm sinh; giới tính; nơi sinh

+ Ngày hết hạn thẻ xanh

+ Số A: 8 hoặc 9 con số , hoặc USCIS#9 con số. Đây là số của Sở di trú Hoa Kỳ dùng để nhận biết mỗi người tương tự như số an sinh xã hội.

Số thẻ xanh này cũng được giử lại trong bằng quốc tịch của bạn sau này

Trước đây là thẻ xanh không có ngày hết hạn.

Thẻ xanh thường có 2 loại

1.    Thẻ xanh 2 năm (thẻ xanh thường trú có điều kiện )

2.    Thẻ xanh 10 năm (thẻ xanh vĩnh viễn)

Đối với những hồ sơ bảo lãnh diện vợ/chồng của công dân Hoa Kỳ, hoặc diện bảo lãnh hôn thê, hôn phu, người được bảo lãnh sau khi sang Hoa Kỳ có thẻ xanh thường trú có điều kiện nếu cuộc hôn nhân dưới 2 năm tại thời điểm người được bảo lãnh được cấp visa thì sẽ được cấp thẻ xanh 2 năm. 

Vì sao lại có thẻ xanh 2 năm? Vì sao phải xin thẻ xanh 10 năm? Đơn I-751 là gì, nó quan trọng thế nào?

Immigration Marriage Fraud Amendments of 1986 (IMFA ) (tạm dịch là Tu Chính Án Luật Di Trú về việc Hôn Nhân Gian Trá năm 1986). Đạo luật này được lập ra để ngăn ngừa những vấn đề lập hôn thú giả để hưởng những điều luật di trú. Đạo luật này đã tạo nên rất nhiều sự khó khăn cho “người thừa hưởng” (Beneficiary ) và “người bảo lãnh” (Petitioner ).

Đạo luật này nói rằng người thừa hưởng sẽ được thẻ xanh có giá trị 2 năm nếu:

Người thừa hưởng được thường trú do kết hôn với Công Dân Hoa Kỳ hoặc là thường trú nhân (tức là bảo lãnh theo diện phối ngẫu); và

Sự hôn nhân đó dưới 2 năm khi “người thừa hưởng” bắt đầu thường trú tại US.

Điều kiện của thẻ xanh 2 năm có thể bỏ đi nếu “người thừa hưởng” làm mẫu đơn I-751 chung với “người bảo lãnh” 90 ngày trước khi thẻ xanh 2 năm hết hạn hoặc làm mẫu đơn I-751 và xin miễn việc ở chung với “người bảo lãnh.” Điều kiện của thẻ xanh 2 năm đã cho Sở Di Trú cơ hội lần thứ hai để khảo sát sự hôn nhân của đương sự có gian trá hay không.

Thẻ xanh là gì? Thủ tục xin thẻ xanh 10 năm ở Mỹ

Nếu thời gian kết hôn đã quá 2 năm kể từ ngày “người thừa hưởng” thường trú, thì đương sự phải có thẻ xanh 10 năm. Có trường hợp Sở Di Trú làm sai khi cấp thẻ xanh có giá trị 2 năm cho “người thừa hưởng” dù rằng ngày được sự thường trú đã quá 2 năm từ ngày làm hôn thú. Trong trường hợp đó, “người thừa hưởng” có quyền khiếu nại để điều chỉnh thẻ xanh và không phải làm mẫu đơn I-751. Lý do mà sĩ quan của Sở Di Trú Hoa Kỳ tại phi trường làm sai vì khi đương sự đi phỏng vấn và được cấp chiếu khán nhập cảnh bởi Lãnh Sự Hoa Kỳ, lúc đó hôn thú chưa đủ 2 năm, cho nên Lãnh Sự Hoa Kỳ phải cấp chiếu khán với mã số thẻ xanh 2 năm. Nhưng sau đó đương sự nhập cảnh Hoa Kỳ (ngày nhập cảnh là ngày được sự thường trú) sau 2 năm lập hôn thú, theo luật Sở Di Trú phải cấp đương sự thẻ xanh 10 năm. Vì sĩ quan Sở Di Trú dựa vào mã số trên chiếu khán cho nên làm sai và cấp cho đương sự thẻ xanh 2 năm.

Quí bạn đọc nên lưu ý đạo luật nói rằng ngày được thường trú chứ không phải là ngày được thẻ xanh. Điển hình là trong trường hợp “người thừa hưởng” được bảo lãnh và phỏng vấn tại quê nhà của họ, khi nhập cảnh Hoa Kỳ lần đầu tiên, thì ngày nhập cảnh đầu tiên là ngày thường trú. Khoảng 3-6 tháng thì Sở Di Trú sẽ gửi thẻ xanh về. 

Trong trường hợp khác, người thừa hưởng hiện có mặt tại Hoa Kỳ và làm hồ sơ thay đổi tình trạng di trú sang diện thẻ xanh, sau khi phỏng vấn và hồ sơ được chấp thuận, thì ngày hồ sơ chấp thuận là ngày được sự thường trú. Khoảng 12 tháng sau thì Sở Di Trú sẻ gửi thẻ xanh về.

Đạo luật này được áp dụng vào trường hợp người bảo lãnh là Công Dân Hoa Kỳ và thường trú nhân. Nhưng chúng ta không thấy trường hợp thường trú nhân vì thời nay những hồ bảo lãnh diện phối ngẫu và người bảo lãnh là thường trú nhân, thời gian chờ đợi ngày chiếu khán đáo hạng là khoảng 5 năm. Những trường hợp đó “người thừa hưởng” phải được thẻ xanh 10 năm vì từ ngày lập hôn thú đến ngày được sự thường trú đã quá 2 năm.

Làm Mẫu Đơn I-751 với "Người Bảo Lãnh"

Nếu “người thừa hưởng” làm đơn I-751 với “người bảo lãnh,” đơn I-751 phải được nộp trong vòng 90 ngày trước khi thẻ xanh 2 năm hết hạn. Đơn I-751 được nộp tại “regional service center” (trung tâm dịch vụ địa phương của Sở Di Trú) nào trong phạm vi chỗ ở của “người thừa hưởng.” Sau khi Sở Di Trú nhận được mẫu đơn I-751, sự thường trú của “người thừa hưởng” được tự động gia hạn tới khi nào Sở Di Trú giải quyết xong đơn đó. Sở Di Trú sẽ gửi giấy chứng nhận đơn đã được nhận và thẻ xanh được gia hạn một năm cho “người thừa hưởng.” “Người thừa hưởng” có thể đem hộ chiếu của họ lên Sở Di Trú để được đóng mộc chứng nhận thẻ xanh được gia hạn một năm. Mộc trong hộ chiếu của đương đơn có thể dùng để rời khỏi Hoa Kỳ và nhập cảnh lại Hoa Kỳ. Nếu sau một năm Sở Di Trú chưa xét xong mẫu đơn I-751 của “người thừa hưởng,” đương đơn có thể đem hộ chiếu đến Sở Di Trú, để Sở Di Trú tiếp tục gia hạn thẻ xanh lại cho một năm. Sau đó Sở Di Trú sẽ tiếp tục gia hạn thẻ xanh hàng năm đến khi nào họ giải quyết xong đơn I-751. 

Trong trường hợp đơn I-751 không được nộp trong vòng 90 ngày trước khi thẻ xanh 2 năm hết hạn, sự thường trú của “người thừa hưởng” sẽ tự động bị chấm dứt (terminated) và Sở Di Trú có thể bắt đầu thủ tục trục xuất “người thừa hưởng.” Đơn I-751 có thể nộp sau khi thẻ xanh 2 năm hết hạn, nếu “người thừa hưởng” có thể chứng minh rằng họ có lý do chính đáng về sự nộp đơn không đúng hạn của họ. Nếu Sở Di Trú nhận đơn nộp trễ của “người thừa hưởng,” sự thường trú của “người thừa hưởng” sẽ được tiếp tục đến khi nào Sở Di Trú giải quyết xong đơn của “người thừa hưởng.”

Đơn I-751 phải được nộp với bằng chứng cụ thể chứng minh rằng sự hôn nhân của họ là chân thật. Nếu đương đơn nộp đủ những bằng chứng cụ thể, Sở Di Trú có thể miễn phỏng vấn hai vợ chồng. Trong trường hợp phỏng vấn được miễn, Sở Di Trú sẽ báo cho “người thừa hưởng” đơn I-751 được chấp thuận và yêu cầu “người thừa hưởng” đến Sở Di Trú gần nhà làm thủ tục cấp thẻ xanh 10 năm. Nếu Sở Di Trú không hài lòng về những giấy tờ đã nộp, hoặc những giấy tờ nộp còn thiếu, Sở Di Trú sẽ gửi hồ sơ của đương sự đến Sở Di Trú (local) để xếp đặt ngày giờ cho 2 vợ chồng đương sự đi phỏng vấn. Ngoài ra vì lý do nội bộ, Sở Di Trú sẽ vẫn phỏng vấn một số ít hồ sơ I-751 dù rằng là bằng chứng cụ thể được đầy đủ.

Nếu Sở Di Trú xét hồ sơ cần phải phỏng vấn, cả hai vợ chồng đương sự phải có mặt ngày phỏng vấn. Phỏng vấn theo mẫu đơn I-751 thường là khó hơn hồ sơ thẻ xanh 2 năm theo diện phối ngẫu. Vì Sở Di Trú sẽ tách rời hai vợ chồng ra và hỏi mỗi người những câu hỏi y như nhau để xem hai vợ chồng trả lời giống nhau hoặc khác nhau. Nếu sự trả lời khác nhau của hai vợ chồng đưa đến sự nghi ngờ hôn nhân chân thật, hồ sơ sẽ bị trì hoãn lại để Sở Di Trú có thể cho sĩ quan điều tra của họ ra tận nhà để điều tra. Sĩ quan điều tra của Sở Di Trú sẽ liên lạc với những người ở cùng nhà và hàng xóm của đương sự để xem những người ở cùng nhà và hàng xóm có biết “người thừa hưởng” và “người bảo lãnh” có sống chung với nhau như vợ chồng hay không.

Nếu “người thừa hưởng” hoặc “người bảo lãnh” không đi phỏng vấn chung sau khi được hẹn thì sự thường trú của “người thừa hưởng” sẽ tự động bị chấm dứt (terminated) tính từ ngày thẻ xanh 2 năm hết hạn. Vì lý do đó, nếu “người thừa hưởng” hoặc “người bảo lãnh” không đi phỏng vấn được theo ngày Sở Di Trú đã định, “người thừa hưởng” nên làm đơn yêu cầuSở Di Trú dời ngày hẹn đi phỏng vấn vào ngày khác khi cả hai vợ chồng có thể đi phỏng vấn chung. Nếu đơn I-751 bị từ chối, Sở Di Trú sẽ báo cho “người thừa hưởng” biết lý do đơn bị từ chối và Sở Di Trú sẽ chuyển hồ sơ của “người thừa hưởng” qua tòa di trú để tiến hành thủ tục trục xuất. Thường Sở Di Trú không tiến hành hồ sơ trục xuất ngay sau khi đơn I-751 bị từ chối, cho nên “người thừa hưởng” có thể lợi dụng cơ hội đó để làm mẫu đơn I-751 mới và xin miễn sự đòi hỏi làm đơn chung với “người bảo lãnh.” Khi “người thừa hưởng” làm mẫu đơn I-751 mới, Sở Di Trú sẽ hoãn sự tiến hành hồ sơ trục xuất để Sở Di Trú có cơ hội xét đơn I-751 mới đó.

Nếu sở di trú quyết định rằng:

+ Sự hôn nhân của hai vợ chồng là hợp pháp theo luật của nơi làm hôn thú;

+ Sự hôn nhân là chân thật;

+ Ttrong thời gian giá trị thẻ xanh 2 năm, hôn thú không bị tòa án bãi bỏ; và

+ Không phải trả bất cứ chi phí nào để khuyến dụ hoặc thuyết phục ai để làm đơn bảo lãnh lúc đầu (ngoài tiền luật sư phí để làm hồ sơ bảo lãnh ra), Sở Di Trú sẽ phải chấp thuận đơn I-751 và cấp thẻ xanh 10 năm cho “người thừa hưởng.”

Để quyết định rằng sự hôn nhân là chân thật, câu hỏi chính cần trả lời là ý định của hai người lúc lập hôn thú. Cho nên, nếu hai người thật sự là vợ chồng nhưng sự hôn nhân của hai người không thành (tức là không còn sống với nhau như vợ chồng trong thời gian thẻ xanh 2 năm) và hôn thú chưa bị tòa án bãi bỏ, Sở Di Trú có thể chấp thuận đơn I-751 đó. NhưngSở Di Trú có thể nhìn vào sự đổ vở hôn nhân của 2 người để quyết định về sự chân thật trong hôn nhân của 2 người.

Nếu Sở Di Trú biết tin tức khác thường gì về đơn I-751 của 2 người, Sở Di Trú phải cho “người bảo lãnh” cơ hội để giải thích. Sau khi “người bảo lãnh” giải thích, nếu Sở Di Trú hài lòng với sự giải thích đó thì Sở Di Trú có thể chấp thuận đơn I-751 đó và nếu Sở Di Trú không hài lòng với sự giải thích thì Sở Di Trú sẽ từ chối đơn I-751 đó. Khi Sở Di Trú từ chối đơn I-751, Sở Di Trú phải cho biết lý do trên thư từ chối. Khi đơn I-751 bị từ chối, sự thường trú và giấy phép đi làm của “người thừa hưởng” sẽ bị kết thúc. “Người thừa hưởng” không được kháng cáo sự từ chối. Nhưng thường sau khi đơn I-751 bị từ chối, Sở Di Trú sẽ chuyển hồ sơ qua tòa di trú để tiến hành thủ tục trục xuất. Khi đó “người thừa hưởng” có quyền yêu cầu tòa di trú xét lại đơn I-751 của đương đơn. Sở Di Trú có bổn phận chứng minh rằng chi tiết trong đơn I-751 không đúng và sự từ chối là hợp pháp. Trong thời gian hồ sơ được tòa di trú xét sử, “người thừa hưởng” được Sở Di Trú cấp giấy tạm chứng minh sự thường trú.
Theo: Aloviet

Các tin liên quan
Top